Khái quát về hợp đồng lao động theo pháp luật Việt Nam

Để người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiểu rõ hơn về các loại hợp đồng lao động, chúng tôi xin được tóm lược một vài vấn đề liên quan đến chủ đề này với mong muốn rằng nó sẽ hữu ích cho tất cả các bên tham gia vào quan hệ lao động, hạn chế các mâu thuẫn và hoặc tranh chấp phát sinh.

1. Khái niệm

Khái niệm hợp đồng lao động được quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động 2019 như sau: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.

Lưu ý: Để xác định một hợp đồng có phải là hợp đồng lao động hay không, pháp luật Việt Nam không căn cứ vào tên gọi mà căn cứ vào nội dung của hợp đồng. Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận ký hợp đồng bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.

2. Hình thức hợp đồng lao động

Về nguyên tắc, Bộ luật lao động 2019 cho phép hợp đồng lao động được giao kết bằng 02 hình thức là bằng văn bản và bằng phương tiện điện tử, giá trị pháp lý của 02 hình thức này như nhau.

Cụ thể, khoản 1 Điều 14 Bộ luật lao động 2019 quy định hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Ngoài ra, hợp đồng lao động còn có thể được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

Tuy nhiên, hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật lao động 2019.